10 thông tin cần thiết bổ sung ngay trong hồ sơ xin việc của bạn
“Tôi rất am hiểu về lĩnh vực hành chính” khi ứng tuyển vào một công ty sản xuất nước giải khát đóng chai, đó không phải là một chiến lược tốt.
Nếu không muốn bị chìm lấp trong hàng đống hồ sơ khác, bạn chắc chắn phải tạo một bộ hồ sơ nhiều sức hút. Đừng bõ lỡ những cơ hội làm việc quý giá chỉ vì không đầu tư thời gian cho những thông tin cần thiết trong hồ sơ.
Theo Liz Ryan, để làm được điều đó, hồ sơ xin việc của bạn nên thể hiện được 10 điều sau đây:
1. Chuyên môn
“Tôi có thể làm mọi thứ” không phải là một thông điệp nên đưa vào hồ sơ xin việc. Nội dung đầu tiên phải được thể hiện trong hồ sơ chính là lĩnh vực chuyên môn chính xác của bạn.
Nếu thành thạo nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn có thể thiết kế nhiều phiên bản hồ sơ sao cho phù hợp nhất với những vị trí muốn ứng tuyển ở mỗi công ty cụ thể.
2. Những tố chất phù hợp với công việc
Nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian, vì vậy ngay trong phần đầu của hồ sơ, ngoài việc nêu rõ chuyên môn của mình, bạn còn phải khiến họ tò mò về những tố chất phù hợp với công việc mà bạn sở hữu. Nhờ đó, họ sẽ duy trì sự hào hứng và muốn xem tiếp đến những phần nội dung phía sau.
3. Sự khác biệt
Đừng chỉ giấu mình sau bằng cấp hoặc những tờ chứng nhận vô tri mà hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai bằng cách cố gắng thể hiện những nét tính cách khác biệt của mình trong nội dung hồ sơ xin việc.
4. Kỹ năng ngôn ngữ
Dù tốt hơn hay xấu hơn, hồ sơ xin việc cũng sẽ giúp chuyển tải đến nhà tuyển dụng kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của bạn. Hãy dùng ngôn ngữ phù hợp với công ty bạn muốn ứng tuyển (tiếng bản địa, tiếng Anh…) để viết hồ sơ.
Trên thực tế, nhiều nhà quản lý rất coi trọng kỹ năng viết của ứng viên. Do đó, nếu được chuyển tải một cách độc đáo và hiệu quả, hồ sơ của bạn sẽ nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhà tuyển dụng.
5. Sự hiểu biết về lĩnh vực đang ứng tuyển
Hãy liên tục chỉnh sửa hồ sơ cá nhân sao cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn hiểu rõ về lĩnh vực mình sắp hoạt động. Chẳng hạn, đừng chuyển tải thông điệp “Tôi rất am hiểu về lĩnh vực hành chính” khi ứng tuyển vào một công ty sản xuất nước giải khát đóng chai, đó không phải là một chiến lược tốt.
6. Một câu chuyện thú vị
Quá trình làm việc của bạn phải được thể hiện một cách ấn tượng. Nếu có thiện cảm với bạn, bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ đặt ra câu hỏi: “Câu chuyện của ứng viên này là gì?”. Vì vậy, hãy kể cho họ câu chuyện về quá trình làm việc của bạn với đầy đủ 3 phần: mở đầu, nội dung trọng tâm và kết thúc.
Nếu thấy xuất hiện những khoảng trống trong câu chuyện này, hãy điền vào những nội dung như “Nghỉ phép”, “Các dự án cá nhân” hoặc “Hoạt động tư vấn độc lập”…
7. Sở hữu nền tảng kiến thức nhà tuyển dụng cần
Nhà quản lý thường chú trọng việc bạn có sở hữu những nền tảng kiến thức mà họ cần hay không. Vì vậy, nếu tốt nghiệp đúng chuyên ngành họ cần hoặc từng tham gia các khóa học có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển, hãy khéo léo lồng ghép những chi tiết đó vào câu chuyện bạn kể trong hồ sơ.
8. Sự kiểm soát sự nghiệp
Chỉ cần đọc hồ sơ của bạn, nhà tuyển dụng sẽ biết được bạn có đang tin rằng bản thân đang kiểm soát tốt sự nghiệp hay không. Dù có những giai đoạn sự nghiệp bị gián đoạn hoặc có những thay đổi lớn, bạn cũng phải khiến họ tin rằng bạn đang là thuyền trưởng chỉ huy con tàu sự nghiệp của mình chứ không phải là người bị phụ thuộc vào những con sóng may rủi.
9. Sự thông minh
Khả năng tư duy của bạn sẽ thể hiện rõ ràng trong hồ sơ xin việc. Hãy lựa chọn và sử dụng từ ngữ thật kỹ lưỡng. Điều này được ví như cách bạn chọn một bài hát ấn tượng nhất để biểu diễn trong một buổi hòa nhạc vậy. Khi đến tay nhà tuyển dụng, hồ sơ xin việc sẽ trở thành “người đại diện” cho bạn, giúp họ biết bạn là người có tư duy sắc sảo hay chỉ là người suy nghĩ hời hợt.
10. Những thành tích quan trọng
Không nên trình bày tất cả những thành tích đã đạt được trong quá khứ mà chỉ nên trình bày những thành tích quan trọng và có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.
Leave a Reply