Bí quyết thay đổi những câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng
Nên hỏi: Nếu được nhận, anh/chị cần gì từ công ty, từ cấp quản lý và nhóm làm việc để có thể thành công?
Bài viết của Jerome Ternynck đăng tải trên tạp chí INC đem đến cho các chuyên viên nhân sự một góc nhìn khác về phỏng vấn tuyển dụng:
“Vài năm trước, tôi có gặp một ứng cử viên đến từ một công ty phần mềm nổi tiếng. Một người quen có uy tín đã giới thiệu ứng viên này cho tôi.
Khi đến phỏng vấn trực tiếp, anh ta đã trả lời tất cả các câu hỏi kèm theo việc đề cập đến công ty cũ: “Vâng, tại công ty X chúng tôi tin vào …” và “Chúng tôi đã thực hiện điều này tại công ty X”. Hai mươi phút sau, tôi biết mọi thứ của công ty X nhưng không biết một điều gì về ứng viên.
Tôi cương quyết đề nghị anh không nhắc thêm về công ty cũ và hãy nói cụ thể về bản thân. Rốt cuộc anh ta đã bỏ “áo giáp” và nói chuyện thẳng thắn về nhu cầu và mục tiêu của mỗi bên.
Tôi không gọi đó là một cuộc phỏng vấn mà là một cuộc trò chuyện công việc. Tôi không xem mình là người ban phát công việc và anh ta không phải là người đi xin một chỗ làm. Chúng tôi đang ở trên một sân chơi bình đẳng trong vai trò hai người đang đánh giá xem có nên làm việc cùng nhau hay không.
May mắn sao, khi rời khỏi phòng, cả hai chúng tôi đã có đủ những thông tin cần thiết để ra một quyết định sáng suốt .
Tôi đã thay đổi 5 câu hỏi phỏng vấn truyền thống bằng 5 câu hỏi thân thiện và hiệu quả hơn, giúp quy trình tuyển dụng nhẹ nhàng và đem lại lợi ích cũng như cơ hội cho cả hai bên.
5 câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng cần thay đổi
Cần tránh: Vì sao anh/chị muốn làm việc ở công ty chúng tôi?
Nên hỏi: Những công việc gì ở vị trí nào khiến anh/chị quan tâm?
Ứng viên trông đợi và có sự chuẩn bị cho câu hỏi đầu tiên. Họ đã có sẵn một danh sách các lý do phù hợp với mục tiêu của công ty – loại thông tin vô cùng dễ tìm trên chính website của nhà tuyển dụng. Do đó, hãy gợi mở cho ứng viên nói về những gì họ sẵn sàng làm cho công ty của bạn. Điều này cũng giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn sâu sắc, hiểu thêm đam mê và giá trị của ứng viên.
Cần tránh: Hãy chia sẻ về công việc hiện tại của bạn.
Nên hỏi: Chúng tôi sẽ tiến hành dự án này trong vòng một tháng tới, nếu được nhận, bạn dự định sẽ làm những gì?
Bắt đầu một mối quan hệ trong công việc bằng cách hỏi về công việc trong quá khứ cũng giống như bắt đầu một mối quan hệ lãng mạn bằng cách hỏi về người yêu cũ. (Đây quả là một câu hỏi hủy hoại tâm trạng ứng viên!).
Hãy để lại quá khứ vào tiếp tục tiến đến tương lai. Tập trung vào chính bản thân của người đang ngồi trước mặt bạn. Đây là lúc để hai bên cùng “làm việc” trên một dự án lý thuyết và thảo luận các ý tưởng.
Cần tránh: Anh /chị có thể chia sẻ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân?
Nên hỏi: Anh/chị có thể chia sẻ những khó khăn từng gặp trong công việc và anh chị đã giải quyết như thế nào?
Câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu quá quen thuộc và các ứng viên luôn có một số câu trả khá là có tính toán, ví dụ như điểm yếu phổ biến được nhiều ứng viên yêu thích sẽ là đa nhiệm, cầu toàn hay làm việc quá sức.
Nếu bạn muốn hiểu rõ được các kỹ năng của ứng viên như giải quyết vấn đề, tính khí, và đạo đức làm việc thì hãy đào sâu vào kinh nghiệm ứng phó trong thực tế. Qua những câu chuyện này, họ sẽ tự tiết lộ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
Cần tránh: Điều gì tạo động lực cho anh/chị trong công việc?
Nên hỏi: Nếu được nhận, anh/chị cần gì từ công ty, từ cấp quản lý và nhóm làm việc để có thể thành công?
Câu hỏi thứ hai tiết lộ thêm nhiều thông tin quý giá, không chỉ là động lực của ứng viên mà còn cho biết những công cụ cụ thể mà họ cần để thành công. Đó có thể là thời gian làm việc linh động, một trợ lý nhanh nhạy hoặc một bàn làm việc cạnh cửa sổ.
Qua câu trả lời, bạn sẽ hiểu rõ về động lực làm việc của ứng viên, điều gì khiến họ hạnh phúc, cũng như xác định được những gì bạn cần cung cấp để tạo nên mối quan hệ hợp tác hài hoà.
Cần tránh: Sở thích của anh/chị là gì?
Nên hỏi: Điều gì trong cuộc sống khiến anh/chị vui vẻ nhất?
Hỏi về sở thích của các ứng cử viên chẳng khác nào tạo điều kiện cho họ tuôn ra một danh sách chuẩn bị sẵn để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Thay vào đó, hãy hỏi về những điều mang đến cho họ niềm vui. Đề nghị này sẽ tạo ra cảm giác an toàn, cho phép các ứng cử viên cởi mở hơn chia sẻ niềm đam mê thực sự của họ.
Bạn sẽ trải qua những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng cho bạn. Một số cuộc trò chuyện khác khiến bạn chỉ muốn quên đi, một số khác sẽ khiến bạn phát cáu hoặc thậm chí là rớt nước mắt. Nhưng trên tất cả, phỏng vấn tuyển dụng không nên là một buổi hỏi cung, mà nên là một cuộc trò chuyện thẳng thắn và đầy thiện chí.
Leave a Reply